11 thg 8, 2014

RẰM THÁNG BẢY- CÔN ĐẢO- NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG




Đúng 11h xe hẹn đón chúng tôi từ khách sạn chạy thẳng tới Nghĩa trang Hàng Dương, bãi đậu xe đã chật kín, chúng tôi lục tục kéo xuống còn lái xe phải tìm chỗ đậu một lúc mới cập đoàn hướng dẫn chúng tôi. Trong đoàn có tôi và Lan là đã từng đến đây lần thứ ba còn Hoa và Vân là lần đầu tiên, không biết cảm xúc của Lan thế nào nhưng với tôi vẫn nguyên cảm giác xúc động và linh thiêng.
Dưới ánh trăng vằng vặc sáng giữa nền trời không một gợn mây chúng tôi theo chân cậu lái xe bước vào nghĩa trang trong nền nhạc nhè nhẹ khúc hồn tử sĩ, hai bên đường chúng tôi đi là lớp lớp ánh đèn sáng xanh mờ ảo thắp bên từng ngôi mộ.
Hàng người như bất tận chờ xếp lễ vào thắp hương chị Võ Thị Sáu, chúng tôi sau một hồi chờ đợi cũng đã tìm được chỗ đặt mâm lễ và thắp hương. Cả đoàn quay ra khu tượng đài nghĩa trang Hàng Dương làm lễ dâng Hương rồi theo chỉ dẫn đi vào sâu hơn thắp hương trên khu mộ cụ Nguyễn An Ninh và cụ Lê Hồng Phong rồi từng nắm hương được truyền tay nhau đi đến những khu mộ xung quanh với lời dặn cắm  hết lên những ngôi mộ chưa được cắm hương.

Người dân ở đây truyền tai nhau " Lễ cô Sáu phải đúng 12h đêm" chúng tôi quay lại mộ  chị Võ Thị Sáu đúng 12h, người đến lễ đã vãn dần, bốn chúng tôi dàn hàng ngang khấn lễ rồi tranh thủ chia nhau những nén hương tiếp tục đến thắp lên ở những ngôi mộ trong khu. Vẫn văng vẳng bên tai bản nhạc - Mùa hoa lê ki ma nở, Ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng..... từ điện thoại của một bạn thanh niên vẫn đang ngồi bên khu mộ chị.

Qua 12h đêm dòng người vào lễ đã dừng chỉ còn một vài nhóm nhỏ nấn ná ở lại, đoàn tôi tiếp sang khu C của nghĩa trang, là nơi rất ít đoàn vào lễ và thắp hương, tại đây chúng tôi sắp lễ khấn trên khu mộ cụ Lê Văn Việt và lại tiếp tục chia nhau những thẻ hương đến khu mộ chưa có người thắp hương vào đêm nay.

Gần như là đoàn cuối cùng rời khỏi nghía trang, ra về chúng tôi bảo nhau sao thấy người nhẹ nhàng thế nhỉ.

P/s
(*)    “ Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2 . Theo số liệu ước định, có khoảng 2 vạn tù nhân yên nghỉ tại Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò (Di tích bãi sọ người), sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mới mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.

     Hiện nay NTHD được chia làm 4 khu: A-B-C và D ( Riêng khu B được chia ra làm 2 phần B1 và B2).

     Khu A Nghĩa trang Hàng Dương, là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên (Khoảng năm 1934), ở đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ), chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh.

     Đến cuối năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của nữ AHLLVTNDVN Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lưu Chí Hiếu.

     Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn vào phần còn lại của khu B (Còn gọi là khu B2) .

     Đến khoảng năm 1960 chôn tiếp qua khu C. Ở đây có phần mộ của anh hùng LLVTND VN Lê Văn Việt, Anh hùng Nguyễn Thị Thanh (Trần Thị Hoa), Anh hùng Hùynh Tấn Lợi.

     Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Ngoài 3 khu mộ được phân định trên, công trình tôn tạo còn lập thêm khu D, đây là nơi quy tập 162 bộ hài cốt từ nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau và 1 số nơi khác trên Côn Đảo về. Có phần mộ AHLLVTNDVN Trần Văn Thời.”

Thông tin của BQL di tích Côn Đảo

1 nhận xét: